CÁC TIỂU ĐOÀN
QUÂN TÌNH NGUYỆN VN
Ở HẠ LÀO
TRƯỚC KHI SƯ ĐOÀN 968 RA ĐỜI
(28/6/1968 –
28/6/2020)
Trước khi Sư đoàn 968 được thành lập
vào ngày 28/6/1968, trên chiến trường Trung - Hạ Lào đã có các tiểu đoàn độc
lập quân tình nguyện, hoạt động từ Bolikhamsay, Khăm Muộn cho đến Ắttapư - tỉnh
cực nam của Lào. Khi Đoàn 968 ra đời, các tiểu đoàn này thuộc Đoàn 968 và khi
Đoàn 968 được kiện toàn thành Sư đoàn 968 thì các tiểu đoàn này được tập hợp
thành các trung đoàn bộ binh của Sư đoàn. Chúng tôi xin lần lượt giới thiệu về
các tiểu đoàn QTN đó (tài liệu căn cứ vào cuốn Lịch sử Sư đoàn bộ binh 968 và
hồi ký của các CCB đăng trong các tập Nam Lào một thời để nhớ).
TIỂU ĐOÀN 1 TÌNH NGUYỆN
Tiểu đoàn 1 tình nguyện trước đó
mang phiên hiệu Tiểu đoàn 927 - là một tiểu đoàn biên phòng thuộc Quân khu 4.
Tiểu đoàn được thành lập ngày 15 tháng 7 năm 1955, tại Tiên Điền, Nghi Xuân -
Hà Tĩnh. Ra đời trên mảnh đất vốn có truyền thống cách mạng kiên cường. Ngay
sau khi thành lập, Tiểu đoàn đã tham gia tiễu phỉ bảo vệ biên giới Lào - Việt,
xây dựng cơ sở vùng núi phía tây Thanh Hóa. xây dựng công trình quốc phòng trên
đường số 8 từ Hà Tĩnh sang Trung Lào.
Trong những mùa khô từ 1961-1963,
Tiểu đoàn đã cơ động cùng bạn chiến đấu trên địa bàn các tỉnh Khăm Muộn, Bô Li
Khăm Xay. Chiến công đầu trên đất bạn là cùng lực lượng vũ trang địa phương
tiến công giải phóng căn cứ Lạc Xao (tháng 1/1961). Tiếp đó, Tiểu đoàn phối hợp
với quân dân địa phương giải phóng Căm Kớt; giải phóng Nhom Ma Rát, Ma Hả Xây
trên đường 8B và đóng chốt tại Mạ Ru. Những ngày gian khổ, ác liệt tiểu phỉ ở
Na Vang, Nạ Hảo năm 1962, Đại đội 4 của tiểu đoàn phối hợp với 1 đại đội
Pa-thét (Quân khu 3 của bạn) chiến đấu với 8 đại đội SGU quân đặc biệt Vàng
Pao, diệt 24 tên, loại khỏi vòng chiến đấu trên 40 tên khác, thu trên 100 súng
các loại. Đáng ghi nhớ là trận chiến đấu phối hợp của Tiểu đoàn 15 Pa-thét (ngày
16/10/1963) đánh tan một tiểu đoàn, diệt gọn một đại đội ngụy phái Hữu, diệt 25
tên, loại khỏi vòng chiến đấu trên 30 tên khác tại Bản Khèn, huyện Hin Bun
(Khăm Muộn). Chiến công của những năm đầu làm nhiệm vụ quốc tế trên đất Trung
Lào đã xây dựng lòng tin yêu trong nhân dân bạn, xây dựng được khí thế chiến
đấu sôi nổi của mọi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, cả ta và bạn.
Sau năm 1963, khắc phục mọi khó khăn
gian khổ của mùa mưa tây Trường Sơn, Tiểu đoàn 1 được giao nhiệm vụ mở rộng địa
bàn hoạt động xuống cả các tỉnh Hạ Lào.
Năm 1966, Tiểu đoàn cơ động từ Ma Hả
Xây (Khăm Muộn) xuống Lào Ngam (Xa La Van) trèo đèo, lội suối, xuyên rừng, hành
quân bộ trên 300km; vừa đặt ba lô đã tổ chức đánh địch, chống càn. Trưa ngày
18/ 6/1966, Tiểu đoàn 1 quân tình nguyện đã đánh quỵ một tiểu đoàn phái Hữu đi
càn quét tại Keng Pửng (Lào Ngam), diệt 40 tên, thu 40 súng bộ binh. Với phương
châm "lấy ít đánh nhiều", tổ chiến đấu ba người của Đại đội 1 đã
chiến đấu và chiến thắng một đại đội ngụy Viêng Chăn. Một đại đội cũng cầm cự
với cả trung đoàn 802 của địch ở Lào Ngam, diệt sở chỉ huy trung đoàn ngụy. Một
đại đội phối hợp với bạn cũng đã từng diệt gọn một đại đội ngụy Lào, đánh tan
rã hai đại đội khác của tiểu đoàn BV46 phía đông Bô Lô Ven ngày 14/7/1967.
Trong những tháng ngày làm nhiệm vụ
giúp bạn, cán bộ và chiến sĩ Tiểu đoàn 1 chịu đựng và vượt qua muôn vàn khó
khăn, gian khổ. Có những mùa mưa, bộ đội phải ăn củ từ, củ còi thay cơm vì
lương thực chưa chuyển sang kịp. Ốm đau, bộ đội phải tự chế thuốc sốt rét điều
trị bằng những cây thuốc nam ở rừng. Những ngày đội bom thù, 36 chiến sĩ đã anh
dũng hy sinh ở nam Thà Khẹt, hơn 100 cán bộ, chiến sĩ của tiểu đoàn ngã xuống
trong những ngày tiễu phỉ ở Căm Kớt những năm 1963-1967... Trong đội hình Đoàn
968 quân tình nguyện Nam Lào, Tiểu đoàn 1 vững vàng trong tư thế của một đơn vị
có những kinh nghiệm tác chiến nhất định trên địa hình với mọi thời tiết ở
chiến trường Trung - Hạ Lào. Nét nổi bật của Tiểu đoàn 1 là chiến đấu ngoan
cường, gắn bó son sắt với quân và dân bạn; cơ động chiến đấu giỏi, hiệu suất
chiến đấu cao. Tiểu đoàn 1 là "Chim đầu đàn" trong những năm đầu
thành lập của Đoàn 968 Quân tình nguyện Nam Lào.
TIỂU ĐOÀN 2 TÌNH NGUYỆN
Tiểu đoàn 2 bộ binh vốn là 1 tiểu
đoàn của trung đoàn 98 công binh thuộc f316, được “thay máu” thành tiểu đoàn bộ
binh để chi viện cho chiến trường. Khác với các tiểu đoàn tình nguyện khác, vốn
là những đơn vị con đẻ của các tỉnh QK4, tiểu đoàn 2 được bổ sung những chiến
sỹ ở các đơn vị trong toàn quân, chủ yếu là người ở Đồng bằng sông Hồng và Hà
Nội. Sau một tháng củng cố, tháng 4 năm 1964, Tiểu đoàn 2 lên đường vào Hạ Lào,
nhập vào đội hình Đoàn 763 chuyên gia quân sự đang hoạt động tại các tỉnh Tà
Ven Oọc, Xa La Van và Át Ta Pư. Tháng 5/1965, Đoàn 763 nhập vào đội hình Đoàn
565. Từ đó Tiểu đoàn 2 chiến đấu trong đội hình Đoàn 565 chuyên gia quân sự.
Tháng 6/1968, Tiểu đoàn 2 được điều về chiến đấu công tác trong đội hình Đoàn
968 quân tình nguyện.
Tiểu đoàn 2 có những chiến thắng ở
Lào Ngam, Bản Phồn, vùng Đông Bắc cao nguyên Bô Lô Ven. Khi chiến trường cần,
Tiểu đoàn 2 đã sẵn sàng đi làm nhiệm vụ “vận tải” cho “nhà buôn Đức Phương” với
nhiệm vụ khai thác, mua hàng hóa từ trong vùng địch hậu, vận chuyển hàng cung
cấp cho mặt trận càng nhiều càng tốt, coi nhiệm vụ đó quan trọng như nhiệm vụ chiến
đấu ở mặt trận để phục vụ cho chiến trường đánh thắng.
Đầu năm 1966, địch dùng 2 tiểu đoàn
phái Hữu càn quét lấn chiếm Bản Phồn (tỉnh Xê Công), Tiểu đoàn 2 đã chốt chặn,
kiên quyết không cho địch thực hiện ý đồ. Trong đợt chống càn này, tại bản Sa
Thư, các chiến sĩ tiểu đoàn đã diệt gọn một trung đội địch... Trước những thất
bại bất ngờ, năm 1967 phái Hữu tăng cường thêm 2 GM2 (802 và 804) thực hiện kế
hoạch lấn chiếm Bản Phồn, bao vây tiêu diệt Tiểu đoàn 2 tình nguyện. Bằng mưu
trí và lòng dũng cảm, các chiến sĩ tiểu đoàn đã phá vỡ vòng vây của hơn 2 GM
ngụy (so sánh lực lượng: địch tám tiểu đoàn, ta chỉ một). Tiểu đoàn đã phối hợp
với du kích địa phương cầm cự và tiến công, đánh tan rã một tiểu đoàn, diệt gọn
nhiều toán tốp địch, gây hoang mang trong đội ngũ của chúng, phá vỡ kế hoạch
lấn chiếm thị trấn Bản Phồn của đối phương.
Cuối năm 1967, Tiểu đoàn 2 tình
nguyện tiếp tục chiến đấu chống 2 trung đoàn ngụy phái Hữu lấn chiếm vùng giải
phóng trên địa bàn tỉnh Tà Ven Oọc và khu vực phía đông cao nguyên Bô Lô Ven.
Trong trận chiến đấu ngày 17 tháng 1 năm 1968, chiến sĩ Tiểu đoàn 2 dùng súng
bộ binh hạ một máy bay Mỹ oanh tạc đội hình tiểu đoàn, đánh thiệt hại nặng một
tiểu đoàn thuộc GM 804 phái Hữu ở Bản Đông, phía đông cao nguyên Bô Lô Ven,
buộc chúng phải dùng máy bay 14 lần hạ cánh lấy xác đồng bọn. Trong trận chiến
đấu ác liệt này, 12 cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn hy sinh, 25 chiến sĩ khác bị
thương, tổn thất đó càng khắc sâu căm thù trong lòng mỗi cán bộ, chiến sĩ tiểu
đoàn. Sau trận chiến đấu ở Bản Đông, Tiểu đoàn tiếp tục tổ chức đánh địch lấn
chiếm Tha Teng, Bản Phồn, tham gia giải phóng thị trấn Lào Ngam (Xa La Van)...
Gần bốn năm đối mặt với 8 tiểu đoàn địch, Tiểu đoàn 2 đã đánh tan rã 2 tiểu
đoàn của đối phương, diệt gọn 1 trung đội và nhiều toán, tốp địch; phá vỡ kế
hoạch lấn chiếm Bản Phồn, vùng phụ cận Tha Teng; tham gia giải phóng Lào Ngam,
góp phần bảo vệ vững chắc phía tây tuyến hành lang chiến lược đường Hồ Chí Minh
ở Hạ Lào; xây dựng được lòng tin đối với nhân dân và lực lượng vũ trang địa phương
vùng Hạ Lào. Tiểu đoàn 2 là người bạn chiến đấu thân thiết, gắn bó với Tiểu
đoàn 1 tình nguyện về hội tụ trong đội hình Đoàn 968 quân tình nguyện Nam Lào.
TIỂU ĐOÀN 3 TÌNH NGUYỆN
Tiểu đoàn 3 tình nguyện thành lập
ngày 6/4/1961 tại Xuân Bồ, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình - mảnh đất đã ghi dấu
chiến công xuất sắc trong chống Pháp trước đây, mà tiêu biểu là tấm gương của
Anh hùng liệt sĩ Lâm Úy. Lúc đầu, Tiểu đoàn 3 độc lập trực thuộc Quân khu 4;
cuối năm 1963 được đứng trong đội hình Sư đoàn 341 tham gia bảo vệ vững chắc
lũy thép Vĩnh Linh.
Tháng 12 năm 1965, Bộ Tư lệnh Quân
khu 4 điều Tiểu đoàn 3 tách khỏi đội hình Sư đoàn 341 hành quân sang Hạ Lào,
chiến đấu, công tác tại tỉnh Át Ta Pư thuộc Đoàn chuyên gia quân sự Nam Lào.
Nếu như Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 2
có ưu thế cơ động nhanh, đánh tập kích giỏi, thì Tiểu đoàn 3 có sở trường bám
trụ, vây ép, đánh cường tập rất kiên cường. Vốn là con đẻ của quê hương Bình
Trị Thiên khói lửa, truyền thống bất khuất của quê hương đã thôi thúc các thế
hệ cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn đánh thắng, ngay từ những trận đầu. Trong trận
đánh đầu tiên (ngày 5 tháng 5 năm 1966) tại Phăng Đen, Mường Cầu, ngoại vi thị
xã Át Ta Pư, Tiểu đoàn 3 quân tình nguyện đã diệt gọn tiểu đoàn BV25 quân phái
Hữu Viêng Chăn, bắt 65 tên, diệt và loại khỏi vòng chiến đấu 386 tên khác, thu
gần 40 súng các loại. Một tiểu đoàn chiến đấu trong điều kiện có nhiều khó khăn
đã diệt gọn một tiểu đoàn ngụy có máy bay, pháo binh yểm trợ. Chiến thắng Phăng
Đen đã làm cho địch khiếp sợ; quân dân Át Ta Pư mừng vui... Với chiến thắng
Phăng Đen, Mường Cầu, Tiểu đoàn 3 được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng
Ba.
Trong những năm 1966-1968, Tiểu đoàn
3 tiếp tục đánh địch vùng phụ cận và uy hiếp thị xã Át Ta Pư, phát triển chiến
đấu lên phía đông nam cao nguyên Bô Lô Ven; cơ động bảo vệ phía tây tuyến chiến
lược trên địa bàn tỉnh Tà Ven Oọc va khu vực ngã ba biên giới.
TIỂU ĐOÀN 4 TÌNH NGUYỆN
Tiểu đoàn 4 thành lập tháng 2 năm
1965; trước đây nguyên là Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 27 thuộc Quân khu 4. Tháng 10
năm 1965 Tiểu đoàn nhận nhiệm vụ sang làm nhiệm vụ quốc tế trên địa bàn các
tỉnh Trung Lào. Thành tích của tiểu đoàn gắn liền với những chiến thắng đánh
địch trên đường số 8 và đường số 12, gắn với những chiến công giải phóng huyện
Ma Hả Xây, Pha Hom, Bản Thảm (phía đông trục đường số 13 dọc theo hai tỉnh Bô
Ly Khăm Xay và Khăm Muộn). Chiến công nổi bật của Tiểu đoàn 4 là trận phục kích
tiêu diệt tiểu đoàn Hoàng Gia Lào đi tiếp viện cho thị xã Thà Khẹt (Khăm Muộn)
vào cuối năm 1965 Tiểu đoàn diệt tại chỗ 60 tên, loại khỏi vòng chiến đấu trên
20 tên khác, thu 4 xe quân sự tại ngã ba Thác Kéc. Chiến thắng đã làm mất uy
danh tiểu đoàn nhà Vua phái Hữu.
Tháng 6 năm 1966, Tiểu đoàn nhận
nhiệm vụ về nước sẵn sàng đánh quân đổ bộ đường không của địch trên địa hàn
chiến lược Quân khu 4, xây dựng công trình quốc phòng tại Quỳnh Lưu - Nghệ An.
Tháng 6 năm 1967, Tiểu đoàn tiếp tục
nhận nhiệm vụ quốc tế ở Trung Hạ Lào. Ngày 12 tháng 1 năm 1967, Tiểu đoàn 4
phối hợp với một đại đội Pa-thét, tiến công giải phóng thị trấn Tùm Lan (Xa La
Van), diệt trên 70 tên, bắt 15 tên, loại khỏi vòng chiến đấu 100 tên khác, giải
phóng hàng nghìn dân khỏi ách kìm kẹp của quân phái Hữu, nối liền vùng giải
phóng Tùm Lan với Lào Ngam, bảo vệ khu căn cứ cách mạng Trung Lào, bảo vệ vững
chắc phía tây Binh trạm 34, Binh trạm 35 (Đoàn 559); tạo thế uy hiếp địch trong
thị xã. Phối hợp với các tiểu đoàn tình nguyện Nam Lào, Tiểu đoàn 4 tình nguyện
tham gia giải phóng Huội Mừn, thị trấn Keng Koọc (Sa Vẳn Na Khệt), Lào Ngam -
căn cứ cách mạng của Hạ Lào. Nét đặc biệt của Tiểu đoàn 4 là cơ động nhanh,
chiến đấu giỏi, có sở trường đánh giữ chốt rất ngoan cường.
TIỂU ĐOÀN 5 TÌNH NGUYỆN
Tiểu đoàn 5 cũng thuộc đội hình
Trung đoàn 27 thuộc Quân khu 4. Do yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu trên chiến trường
Đông Dương, Tiểu đoàn đã được Quân khu điều sang cùng với quân dân địa phương
bạn hoạt động ở khu vực bắc và nam đường số 9 - con đường huyết mạch tại Trung
Lào. Chiến công của Tiểu đoàn 5 gắn với những chiến thắng giải phóng Mường
Phìn, Xé Ta Muộc, Phà Lan, Đồng Hến trên trục đường số 9. Cùng với nhiệm vụ
chiến đấu, Tiểu đoàn có nhiệm vụ tổ chức các đội luồn sâu vào địch hậu trên Căm
Kốt, dưới Át Sa Phăng Thoong, Keng Koọc..., gây cơ sở trong nhân dân, phát động
và cùng địa phương xây dựng phong trào du kích trong vùng địch. Đó là những
ngày công tác, chiến đấu đầy nguy hiểm, gian khổ, nhưng các chiến sĩ tiểu đoàn
đã vượt lên mọi gian lao, một lòng vì nghĩa vụ quốc tế và nhiệm vụ quốc gia.
Đến tháng 10/1971, Bộ Tư lệnh 559 lấy
2 tiểu đoàn 4 và 5 tình nguyện để thành
lập Trung đoàn 29, hoạt động ở khu vực Đường 9.
Tháng 1/1972, Tiểu đoàn 1 tình
nguyện thuộc Trung đoàn 39 bộ binh f968.
Tháng 4/1972, Tiểu đoàn 2 và Tiểu
đoàn 3 tình nguyện thuộc Trung đoàn 19 f968.
Như vậy, do yêu cầu chiến trường, các
tiểu đoàn QTN độc lập nói trên đã được phiên chế vào đội hình chiến đấu có quy
mô và tầm cỡ lớn hơn, là những đơn vị có truyền thống chiến đấu lâu đời của Sư đoàn
968 Anh hùng.

Bùi Thượng Toản biên soạn