SƯ ĐOÀN 968
TRÊN CHIẾN TRƯỜNG NAM LÀO
(1968 - 1988)


Theo chủ trương của Quân ủy Trung
ương và Bộ Quốc phòng hai nước Việt Nam - Lào, các lực lượng chuyên gia quân sự
và quân tình nguyện Việt Nam ở Nam Lào được kiện toàn để thực hiện nhiệm vụ
chiến lược trong tình hình mới. Ngày 28/6/1968, Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam
ra quyết định tách Đoàn 565 Chuyên gia quân sự Việt Nam tại Nam Lào thành hai
lực lượng: Lực lượng chuyên gia quân sự mang phiên hiệu Đoàn 565, trực thuộc
Đoàn 959 chuyên gia toàn Lào và Lực lượng quân tình nguyện Nam Lào mang phiên
hiệu Đoàn 968, trực thuộc Quân khu 4 Việt Nam.
Về quân số, Đoàn 968 có các tiểu
đoàn tình nguyện: Tiểu đoàn 1 (Tiểu đoàn 927 QK4), sang Lào từ những năm
1961-1963; Tiểu đoàn 2 sang Lào tháng 4-1964; Tiểu đoàn 3 sang Lào năm 1965;
Tiểu đoàn 4 và Tiểu đoàn 5 sang Lào tháng 10/1965. Ngoài ra còn có các đơn vị
binh chủng cấp đại đội: đặc công, công binh, thông tin, pháo binh, quân y và
các phân đội bảo đảm chiến đấu khác. Năm 1969, bổ sung Tiểu đoàn 46 và Đại đội
9 cơ sở. Năm 1970, bổ sung tiểu đoàn 10 của Trung đoàn 24 (B3).
Đoàn 968 ra đời theo yêu cầu cần có
một lực lượng chiến đấu thống nhất ở Nam Lào, gắn bó với chiến trường lâu dài;
có nhiệm vụ:
- Phối hợp với bạn mở rộng và bảo vệ
vùng giải phóng, giúp bạn xây dựng cơ sở chính trị;
- Bảo vệ tuyến chi viện chiến lược
Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh;
- Hoạt động trên địa bàn các tỉnh
Savẳnnạkhệt, Salavan, Xêkoong, Atôpơ, Chămpasắc.
Năm 1970, trong ba tháng, từ tháng 4
đến tháng 6-1970, Đoàn 968 giải phóng 2 thị xã quan trọng ở Hạ Lào là Atôpơ (có
e24 của B3 phối thuộc) và Xalavan, mở ra cửa ngõ tiến vào cao nguyên Bôlôven.
Tháng 5/1970, Đoàn 968 được bổ sung
Trung đoàn 9 từ mặt trận Trị Thiên.
Cuối tháng 7 năm 1970, Đoàn 968 trực
thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Đầu năm 1971, đổi phiên hiệu Đoàn 968 thành phiên
hiệu Mặt trận Y; cắt Tiểu đoàn 4, tiểu đoàn 5 của Đoàn 968 để thành lập e29,
tác chiến ở Đường 9.
Năm 1971, chiến dịch Đường 9 - Nam
Lào nổ ra thì Mặt trận Y (Đoàn 968) là một hướng phối hợp, đánh bại âm mưu của
Mỹ - ngụy Lào định tấn công ra Salavan, Atôpơ, uy hiếp đường Trường Sơn ở phía
Nam. Mặt trận Y không những bảo đảm an toàn Đường Trường Sơn, mà còn tiêu diệt
nhiều sinh lực địch, giải phóng cao nguyên Bôlôven, mở rộng vùng giải phóng Hạ
Lào.
Sau một loạt thất bại, đặc biệt là
sau thất bại thảm hại của cuộc hành quân “Lam Sơn 719” đánh ra đường 9 - Nam
Lào, chiến lược “Việt Nam hóa” cũng như “Lào hóa” chiến tranh của chính quyền
Ních-Xơn có nguy cơ phá sản, đế quốc Mỹ đã thúc ép lực lượng tay sai ở Lào “nỗ lực
tối đa”, sử dụng cả lực lượng Vàng Pao, tăng cường không quân (máy bay B52 và
T28) và đưa cả quân đội Thái Lan sang tham chiến, để lấn chiếm Hạ Lào.
Để phá tan âm mưu và thủ đoạn chiến
tranh mới của địch, đầu nãm 1972, Bộ Quốc phòng chủ trương kiện toàn lực lượng
quân tình nguyện chiến đấu ở Hạ Lào. Trên cơ sở lực lượng Mặt trận Y (Đoàn 968
trước đó), Bộ quyết định tổ chức thành sư đoàn chủ lực, cơ động chiến đấu của
Bộ, mang phiên hiệu Sư đoàn 968 (vẫn trực thuộc BTL Bộ đội Trường Sơn), có
nhiệm vụ tác chiến tại Hạ Lào.
Chúng ta nhớ lại, đầu năm 1970, Đoàn
968 tách ra làm hai hướng: Hướng mặt trận X có nhiệm vụ giải phóng thị xã Át Ta
Pư và hướng mặt trận Z có nhiệm vụ giải phóng thị xã Xa La Van. Đầu năm 1971,
hai hướng X và Z tập trung trở lại, hình thành nên Mặt trận Y. Tuy nhiên, tiểu
đoàn 4 tình nguyện và tiểu đoàn 5 tình nguyện không về với Mặt trận Y nữa (vì
từ tháng 10/1971, Bộ Tư lệnh 559 đã điều 2 tiểu đoàn này lên thành lập Trung
đoàn 29, hoạt động ở Đường 9).
Từ những ngày đầu, Đoàn 968 chỉ có 5
tiểu đoàn bộ binh, một số đơn vị binh chủng hoạt động phân tán, tác chiến nhỏ
lẻ, phù hợp với tính chất hoạt động của chiến trường lúc đó. Đến 1972, Bộ quyết
định biên chế tổ chức Mặt trận Y thành Sư đoàn 968 - một sư đoàn bộ binh hoàn
chỉnh, lực lượng gồm có:
- Trung đoàn 9 bộ binh: Thành lập
ngày 23/9/1947 tại huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá, là một trong những trung
đoàn chủ lực tổ chức sớm nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong kháng chiến
chống Pháp (trong đội hình Đại đoàn 304) trung đoàn tham gia 10 chiến dịch,
trong sự nghiệp chống Mỹ, trung đoàn lập nhiều chiến công xuất sắc. Đặc biệt,
trong Tết Mậu Thân 1968, Trung đoàn 9 được tham gia tiến công địch trong nội đô
thành Huế; chốt giữ và làm chủ thành Huế 25 ngày đêm. Sau đó trung đoàn liên
tục bám giữ chiến trường Trị - Thiên. Cuối tháng 5/1970, Trung đoàn về Đoàn 968
Nam Lào.
- Trung đoàn 39 bộ binh (thành lập
tháng 1/1972) gồm Tiểu đoàn 1 tình nguyện, Tiểu đoàn 46 tình nguyện, một tiểu
đoàn mới hành quân từ Quân khu Việt Bắc vào và 8 đại đội binh chủng.
- Trung đoàn 19 bộ binh (thành lập
ngày 26/4/1972) gồm Tiểu đoàn 2 tình nguyện, Tiểu đoàn 3 tình nguyện, Tiểu đoàn
10 tình nguyện và 8 đại đội binh chủng.
Trong đội hình của sư đoàn: Trung
đoàn 9 gồm các tiểu đoàn bộ binh 1, 2, 3. Trung đoàn 19 gồm các tiểu đoàn bộ
binh 4, 5, 6. Trung đoàn 39 gồm các tiểu đoàn bộ binh 7, 8, 9. (Trung đoàn 29
từ tháng 12/1974 cũng trở về trong đội hình sư đoàn).
Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn điều
Đại đội 6 và Đại đội 9 xe tăng, cùng với Đại đội 3 xe tăng của Mặt trận Y thành
lập Tiểu đoàn 6 xe tăng - thiết giáp; thành lập Tiểu đoàn 13 pháo binh, điểu
Tiểu đoàn 14 cao xạ, Tiểu đoàn 84 pháo và súng máy cao xạ từ đường 9 về Sư
đoàn. Các tiểu đoàn 17 công binh, 18 thông tin, 25 vận tải, 49 quân y... do Mặt
trận Y tổ chức biên chế; Tiểu đoàn 20 đặc công của Bộ phối thuộc tác chiến.
Như vậy, khác với các sư đoàn chủ
lực của Bộ, Sư đoàn 968 được thành lập trên đất bạn Nam Lào, với danh xưng: Sư
đoàn 968 Quân tình nguyện Nam Lào
Mùa khô 1972-1973, Mỹ - ngụy Lào tổ
chức 80 tiểu đoàn tấn công chiếm đóng Pắkxoòng, Thateng, Không Sêđôn và thị xã
Salavan, hòng giành lợi thế khi có giải pháp chính trị về Lào. Sư đoàn 968 được
tăng cường lực lượng, sau 128 ngày đêm chiến đấu đầy gian khổ và hy sinh (từ
18-10-1972 đến 22-2-1973) đã giành lại các vị trí đã mất... Ở khu vực Đường 9,
Trung đoàn 29 cũng giữ vững Phalan, Đồng Hến.
Thắng lợi Mùa khô 1972-1973 có ý
nghĩa hết sức to lớn, các mục tiêu chiến lược đều do bạn và ta đã làm chủ, vùng
giải phóng Trung và Hạ Lào được liên hoàn; góp phần vào sự kiện ký kết Hiệp
định Viêng Chăn về Lào, ngày 21-2-1973.
Hơn sáu năm (6/1968 – 12/1974) chiến
đấu trên đất bạn, Sư đoàn 968 đã hoàn thành nhiệm vụ quốc tế, dựng nên truyền
thống: “Cơ động liên tục, khắc phục khó khăn, đoàn kết lập công, trọn nghĩa vẹn
tình dân tộc – quốc tế”.
Cuối năm 1974, Sư đoàn 968 hành quân
về Tổ quốc, tham gia chiến dịch giải phóng Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải Khu
V, tham gia chiến dịch HCM (e9) trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân
1975, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tuy nhiên, hòa bình chưa được bao
lâu, kẻ thù lại âm mưu bạo loạn chống phá cách mạng Lào. Để bảo vệ thành quả
cách mạng, giữ vững đời sống yên bình cho nhân dân Lào, năm 1977 Sư đoàn 968
được lệnh trở lại nước Lào, hoạt động trên địa bàn Trung - Hạ Lào.
Với chức năng của quân tình nguyện,
Sư đoàn đã tổ chức chiến đấu và công tác, bám dân, bám địa bàn, xây dựng cơ sở
chính trị, cơ sở lực lượng bán vũ trang, phát động quần chúng, tiễu phỉ trừ
gian, giúp dân ổn định đời sống. Trong 10 năm (từ 1978-1988), Sư đoàn đã hoàn
thành nhiệm vụ quốc tế, góp phần giúp bạn ổn định an ninh chính trị, giúp lực
lượng vũ trang của bạn kiểm soát được tình hình ở Nam Lào, Sư đoàn 968 một lần
nữa tạm biệt đất nước Triệu Voi trở về nước trong sự lưu luyến của nhân dân
nước bạn.
Quá trình 20 năm chiến đấu và công
tác trên đất Nam Lào và Nam Việt Nam (1968-1988), Sư đoàn đã lập nhiều chiến
công xuất sắc. Ngày 3/6/1976, Sư đoàn được trao tặng danh hiệu Anh hùng lực
lượng vũ trang nhân dân với lời tuyên dương: “Tuân theo lời dạy của Hồ Chủ
tịch, thấm nhuần chủ nghĩa quốc tế vô sản, cán bộ, chiến sĩ sư đoàn đã không
quản hy sinh, không nề gian khổ, anh dũng mưu trí trong chiến đấu, bền bỉ tận
tụy trong công tác, đoàn kết tốt, kỷ luật nghiêm, đánh thắng nhiều quân ngụy,
tay sai Mỹ, lập nhiều chiến công xuất sắc”.
Các đơn vị của Sư đoàn có 3 trung
đoàn, 6 tiểu đoàn, 9 đại đội, 6 cá nhân đã được tuyên dương Anh hùng lực lượng
vũ trang nhân dân...
Bên cạnh đó, trong những năm qua,
Ban liên lạc CCB Sư đoàn 968 đã tích cực hoạt động truyền thống, trong đó đã
làm thủ tục đề nghị lên cấp trên xét tặng Huân, Huy chương của Nhà nước Lào (6
đợt) cho 880 đồng chí cựu chiến binh ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc, gồm: 47
huân chương Ítsala, 181 huân chương Xalạlợt, 652 huy chương Tò tạn...
Hiện nay Sư đoàn đang đứng chân tại
Đông Hà, Quảng trị, làm nhiệm vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu vì sự bình
yên của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Hoàng Hữu Bảo và Bùi Thượng Toản biên soạn