THÁNG
7 VỀ VỚI ĐIỆN BIÊN
(Ghi
chép của TRẦN PHONG)
Nằm trong chuỗi các hoạt động hướng
tới kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống quân Tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt
Nam giúp Lào (30.10.1949 – 30.10.2019). Nhân dịp 72 năm ngày thương binh liệt sỹ
(27.7 – 1947/2019), nhằm tri ân các anh hùngliệt sỹ, thương bệnh binh…Đoàn đại biểu
Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào do đồng chí Trần Văn Túy UVTW Đảng, Ủy viên Thường
vụ Quốc hội, Trưởng ban công tác Đại biểu, Phó trưởng ban Tổ chức TW Đảng, Chủ
tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Lào dẫn đầu đã về thăm Điện Biên từ ngày 21.7 đến
22 .7.2019.
Tham
gia Đoàn có các đại biểu đại diện Ban liên lạc Toàn quốc quân Tình nguyệnvà
Chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào, BLL QTN tỉnh Sơn La, đại diện lãnh đạo Hội
Chữ thập đỏ Việt Nam, Tổng biên tập báo Người Hà Nội, đại biểu Hội CCB cơ quan Văn
phòng Quốc hội, đặc biệt tham gia đoàn còn có ông Võ Điện Biên con trai cố đại
tướng Võ Nguyên Giáp.
Đầu
giờ chiều ngày 21.7.2019 Đoàn đã cùng đại diện lãnh đạo chính quyền tỉnh Điện Biên
và đông đảo các CCB tỉnh, các cơ quan chức năng của địa phương làm lễ dâng
hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ đang an nghỉ tại các nghĩa trang liệt sỹ Đồi
A1, nghĩa trang liệt sỹ Tông Khao, nghĩa trang liệt sỹ Độc Lập.
Chiều
Điện Biên những ngày cuối tháng 7 nắng như đổ lửa, mồ hôi và cả những giọt nước
mắt mặn chát lăn trên gò má những người lính già lầm lũi đi tới từng hàng mộ thắp cho các liệt sỹ những nén tân hương.
Hàng nghìn ngôi mộ trong cả các nghĩa trang ở nơi đây, cho dù thời chống Pháp
hay chống Mỹ hầu như cũng vẫn chỉ là những tấm bia với hàng chữ “mộ liệt sỹ
chưa có thông tin”.
Người
cựu trinh sát sư đoàn 308, Đại tá Trần Huy Tuấn, năm nay 85 tuổi, dáng nhỏ nhắn
nhưng rất tinh anh, ông tâm sự: Trước chiến dịch Điện Biên Phủ, khi có lệnh của
đại tướng Võ Nguyên Giáp (nhằm thực hiện ý đồ chiến dịch) sư đoàn 308 có nhiệm
vụ tổ chức ngay một số đơn vị cấp tốc hành quân sang bên kia biên giới phối hợp
với bộ đội Phathet Lào tiến công tiêu diệt địch ở Sầm Nưa, Luông Pha Băng…, Nhiều
đồng đội đã không trở về. Riêng trung đoàn 36 và một số phân đội trực thuộc sư
308 ở lại tham gia chiến dịch Điên Biên Phủ, khi kết thúc sư đoàn 308 cũng như
những đơn vị tham chiến đã có hàng ngàn cán bộ chiến sỹ vĩnh viễn hóa thân vào
cát bụi Điện Biên, số ít được quy tập vào các nghĩa trang trên nhưng không biết
họ nằm ở đâu.
Đại tá Ngô Doanh, nguyên trung đoàn trưởng Trung đoàn 335 bùi ngùi xúc động
: Trong KCCM Trung đoàn 335 có trên 10 năm chiến đấu tại Lào, theo thông tin
chưa đầy đủ, trung đoàn có gần hai ngàn liệt sỹ. Tại nghĩa trang Tông Khao, theo
số liệu thống kê của sở LĐTB & XH tỉnh Điện Biên (Tông Khao dành riêng quy
tập an táng liệt sỹ QTN chiến đấu hy sinh trên chiến trường các tỉnh Bắc Lào) trung
đoàn 335 chỉ có 167 liệt sỹ có đầy đủ tên tuổi trong số hơn 600 LS đã hy sinh tại
Bắc Lào.
…
Những ngày này của tháng 7, nơi đây nhiều vòng hoa hơn mọi ngày, nhiều nén
nhang cháy dở trên những nấm mộ liệt sỹ “Chưa biết tên”, nước mắt vẫn rơi, lòng
người vẫn không khỏi nguôi ngoai, nguyện cầu cho các anh sớm được trả lại tên
tuổi!
Buổi
chiều Đoàn đã tổ chức trao tặng 150 phần quà cho các Mẹ Việt Nam anh hùng, thân
nhân gia đình liệt sỹ, thương bệnh binh đang sinh sống tại thành phố Điện Biên.
Những phần quà tuy nhỏ bé nhưng nghĩa tình lớn hơn, những người mẹ già còng
lưng chống gậy đi bên cạnh những người con cũng đã già, những người thương binh
chân đi khập khiễng bước thấp bước cao, da đen sạm nhăn nheo… Tháng bảy về họ lại
được gặp nhau hàn huyên, buồn vui đan xen trên những nếp nhăn của khóe mắt bờ
môi…
Cuối
ngày, Đoàn đã đi thăm khu di tích lịch sử - hầm chỉ huy của tướng De castries,
vị tướng “Tài ba” mà quân đội Pháp rất tin cậy giao nhiệm vụ tổng chỉ huy quân
đội viễn chinh tại cứ điểm Điện Biên Phủ, nhằm đè bẹp những đoàn vệ quốc non trẻ
của quân đội nhân dân Việt Nam. Đoàn đã được đại tá Trần Huy Tuấn (KCCM ông còn
có nhiều năm làm Chuyên gia quân sự cho Quân khu Xiêng Khoảng bạn Lào), cựu
trinh sát trung đoàn 36, sư đoàn 308, ông là nhân chứng lịch sử - Tại chính khu
hầm nơi đây 65 năm về trước. Cuối chiều ngày 7/5/1954 ông cùng tổ trinh sát được
lệnh của Chính ủy trung đoàn Chu Thanh Hương phái tới ngay khu hầm chỉ huy của
De Castri để tiếp quản. Chúng tôi đã được nghe ông kể toàn bộ khung cảnh hầm chỉ
huy, sau khi đại đội trưởng Tạ Quốc Luật cùng các chiến sỹ của mình bắt, dẫn giải
tướng Đờ Cát và các sỹ quan trong tập đoàn cứ điểm ĐBP lên cho chỉ huy của mặt
trận ta. Ông Tuấn và đồng đội đã canh giữ, bảo vệ toàn bộ tài liệu cùng chiến lợi
phẩm tại khu hầm Đờ Cát để vài ngày sau quân báo ta tới tiếp nhận…
Đoàn còn thăm Bảo tàng ĐBP, sở chỉ huy chiến dịch ĐBP Mường Phăng, giao lưu văn hóa với bà con dân bản vùng Tây Bắc.
Những
ngày tháng 7 ở Điện Biên đã cho chúng tôi những cảm nhận sâu sắc, hiểu thêm nhiều
điều hữu ích về tình người, về mảnh đất lịch sử oai hùng mà ông cha ta đã làm
“Chấn động địa cầu”… Nơi đây, ngày nay đang đổi thay từng ngày từng giờ, dõi mắt
trên cánh đồng Mường thanh xanh tươi trù phú, phố xá Điện Biên khang trang sầm
uất, người dân mến khách luôn nở những nụ cười thân thiện…
Du khách dù trong nước hay quốc tế đã đến
với lòng chảo Điên Biên hẳn sẽ lại muốn quay lại thêm nhiều lần !



Bài
& Ảnh: TP